Phạm vi và môi trường sống Odobenus

Phân loài moóc nhiều nhất là moóc Thái Bình Dương, chúng tập trung ở phía bắc của eo biển Bering, biển Chukchi (thuộc Bắc Băng Dương), dọc theo bờ biển phía bắc của miền Đông Siberi, xung quanh đảo Wrangel, biển Beaufort và dọc theo bờ biển phía bắc của Alaska. Một số lượng nhỏ hơn tập trung ở vịnh Anadyr trên bờ biển phía nam của bán đảo Chukchi của vùng Siberi và vịnh Bristol (ngoài khơi bờ biển phía nam Alaska). Vào mùa xuân và mùa thu, moóc tụ tập khắp khu vực eo biển Bering, tới phía Tây của vịnh Anadyr. Mùa đông chúng sống ở dọc theo phía Đông bờ biển eo biển Bering, phía Nam của Siberi, phần phía bắc của bán đảo Kamchatka và dọc theo bờ biển phía nam của Alaska.[7] Một hóa thạch moóc có 28.000 năm tuổi đã được tìm thấy ở vịnh San Francisco cho thấy moóc Thái Bình Dương sinh sống ở các khu vực phía Nam vào cuối thời kỳ băng hà. Hiện nay có khoảng 200.000 cá thể moóc Thái Bình Dương (1990).[8][9]

Moóc Đại Tây Dương phân bố ở Bắc Cực thuộc Canada, Greenland, Svalbard, và một phần phía Tây của vùng lãnh thổ của Nga tại Bắc Cực.[10] Trước đây, moóc Đại Tây Dương được tìm thấy ở phía Nam tới tận Cape Cod, tiểu bang Massachusetts ngày nay và tập trung số lượng lớn ở vịnh St Lawrence, Canada nhưng số lượng và khu vực sinh sống của chúng đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Ước tính hiện nay chỉ còn khoảng dưới 20.000 cá thể moóc Đại Tây Dương.[11][12]

Còn moóc Laptev được giới hạn tại các khu vực trung tâm và phía Tây của biển Laptev, biển Kara, và các khu vực của biển Đông Siberi. Số lượng hiện nay của phân loài này được ước tính chỉ còn từ 5.000 đến 10.000.[13]

Môi trường sinh sống của moóc phụ thuộc vào vùng nước nông và nguồn thức ăn của chúng.